Nguyễn Cẩm Tú,ữphógiáosưngườiViệtdạyAIởđạihọctopđầuTrungQuốsclub88 40 tuổi, là Phó giáo sư (Associate professor) tại trường AI, Đại học Nam Kinh. Đây là ngôi trường thuộc nhóm C9 - chín đại học tốt nhất nước, được ví như Ivy League của Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng đại học 2024 của THE, Đại học Nam Kinh nằm trong top 20 tốt nhất châu Á và hạng 73 thế giới.
Hướng nghiên cứu của Tú là lĩnh vực trí tuệ thông minh hội thoại (conversational AI). Cô giảng dạy, hướng dẫn học viên nghiên cứu, xây dựng hệ thống AI có thể mô phỏng các cuộc trò chuyện của con người. Tú cũng là tác giả của hơn 50 bài báo công bố tại các hội nghị và tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới như EMNLP, IJCAI, TKDE...
"Tôi không đặt ra mục tiêu phải trở thành giáo sư. Tôi chỉ cố gắng làm việc của mình tốt hơn hôm qua và mọi thứ đến rất tự nhiên", Tú chia sẻ.
Tú từng là học sinh chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Tốt nghiệp phổ thông, cô chọn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo Tú, ngành này vừa yêu cầu kỹ năng tính toán, vừa có ứng dụng gần gũi trong thực tế.
Học trong môi trường có nhiều "cao thủ" về khoa học tự nhiên ở miền Bắc và miền Trung nhưng Tú xuất sắc trở thành thủ khoa lớp K46 ngành Công nghệ thông tin. Cô sau đó phụ trách sản xuất sản phẩm công nghệ ở một doanh nghiệp. Nhưng chỉ khoảng một năm đi làm, Tú quay lại con đường nghiên cứu và hoàn thành chương trình thạc sĩ, tại trường cũ.
"Tôi thích làm nghiên cứu hơn vì được khám phá những cái mới, mặc dù thách thức nhưng tôi rất muốn theo đuổi", Tú nói.
Lúc này, Tú có nhiều dịp trò chuyện và cộng tác với các giảng viên nước ngoài. Nhận thấy hướng đi của các giáo sư tại Đại học Tohoku, Nhật Bản, tương đồng với định hướng phát triển, năm 2008, Tú làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại đây. Cô còn làm việc tại Google Japan, tham gia một số dự án phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tú cũng theo dõi hoạt động nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc, đặc biệt là của Giáo sư Zhou Zhi-hua - ngôi sao đang lên về AI thời điểm đó. Sự hứng thú dành cho nền văn hóa tương đồng với Việt Nam cùng nhận định về một môi trường nghiên cứu năng động thôi thúc cô chọn Trung Quốc làm bến đỗ tiếp theo, sau khi hoàn thành chương trình tại Nhật vào năm 2011.
Năm 2012, Tú tới Đại học Nam Kinh để làm nghiên cứu sau tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Zhou Zhi-hua. Sau đó 4 năm, cô bắt đầu giảng dạy ở Viện phần mềm của ngôi trường này.
Ban đầu, Tú gặp rào cản ngôn ngữ. Cô dạy bằng tiếng Anh nhưng một số sinh viên trao đổi riêng với cô bằng tiếng Trung sau giờ học. Để hỗ trợ, Tú học giao tiếp tiếng Trung, nâng dần kỹ năng nghe nói qua các cuộc trò chuyện khi đi dạy. Tuy vậy, vẫn có những tình huống "dở khóc dở cười" khi sinh viên không hiểu tin nhắn mà Tú gửi. Nhiều lần, Tú gọi điện cho sinh viên để nói chuyện trực tiếp thay vì nhắn tin.
"Cái hay nhất của việc dạy học tại Nam Kinh là sinh viên đều rất chăm chỉ và xuất sắc. Tôi học được rất nhiều từ họ", Tú nói.
Sau ba năm, Tú chuyển sang trường AI - thành viên mới của Đại học Nam Kinh, một trong những cơ sở đào tạo AI đầu tiên của Trung Quốc. Tú nói đây là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Cô vừa phải thiết lập và định hướng cho nhóm nghiên cứu mới, vừa tham gia xây dựng khung chương trình cho một số môn học.
Môn học mà Tú tâm đắc nhất, thấy thú vị nhưng cũng rất băn khoăn là Đạo đức Trí tuệ nhân tạo. Không chỉ Tú mà các giảng viên trong trường đều không rõ sẽ dạy gì, vì trên thế giới chưa có nhiều môn học tương tự. Tú phải đọc rất nhiều tài liệu, không chỉ về AI mà còn về triết học, xã hội, pháp luật. Cô từ đó tự đưa ra các đề mục chính cho môn học, ví dụ ảnh hưởng của AI đến xã hội hay vấn đề về quyền riêng tư và bình đẳng khi sử dụng AI.
"Mặc dù môn này không trực tiếp liên quan tới kỹ thuật nhưng nó đã mở tầm nhìn của tôi rất nhiều", Tú cho biết.
Theo Tú, Đại học Nam Kinh mạnh nhất trong nghiên cứu cơ bản về lý luận học máy và học tăng cường. Giảng viên phải vừa phát huy được những điểm mạnh của trường, vừa phải nắm bắt được những xu hướng mới mà thế giới đang quan tâm. Tú nhận thấy các hệ thống AI được trang bị khả năng ngôn ngữ có tiềm năng ứng dụng rất lớn, gắn liền với nhiều thách thức và các bài toán hay. Cô quyết định đi theo lĩnh vực trí tuệ thông minh hội thoại, vừa làm nghiên cứu vừa hợp tác xây chatbot (robot trò chuyện trực tuyến) với các tập đoàn như Oppo hay Alibaba.
PGS.TS. Phan Xuân Hiếu, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là người đã đồng hành, hướng dẫn Tú nghiên cứu từ thời đại học và làm việc cùng cô cho đến nay, nói khâm phục trước khả năng chuyên môn và năng lượng tích cực của cô trong công việc.
"Cẩm Tú có nền tảng Toán học vững chắc, có đam mê nghiên cứu và có sự từ tốn, điềm tĩnh. Không vội vàng đi nhanh, Cẩm Tú luôn tiến về phía trước, đạt được những thành quả ý nghĩa bằng sự thông minh, bền bỉ và cả sự can đảm của người phụ nữ Việt Nam trên đất người", anh chia sẻ.
Trong tương lai, Tú dự định tiếp tục thúc đẩy nhóm nghiên cứu mình đang phụ trách tại Đại học Nam Kinh. Cô cũng hy vọng có thể kết nối với các trường ở Việt Nam để hỗ trợ sinh viên làm nghiên cứu.
Để theo học và nghiên cứu về khoa học máy tính tại các đại học hàng đầu thế giới, Tú tin rằng sinh viên cần có định hướng rõ ràng và kiến thức nền như học máy vững chắc. Tú khuyên sinh viên tham gia nghiên cứu từ bậc đại học, thể hiện niềm đam mê, động lực tự phát triển của bản thân - một yếu tố được các giáo sư rất quan tâm.
Cô chia sẻ về ba giai đoạn phát triển trong nghiên cứu được các giáo sư Nam Kinh hướng dẫn cho sinh viên. Bước đầu là phải điều tra (tổng hợp, đọc thông tin để biết tình hình nghiên cứu về bài toán mà mình quan tâm), sau đó đến bắt chước (nắm được công nghệ và làm theo) rồi đến bước sáng tạo.
Ngoài ra, Tú nhận định sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội theo học ngành AI tại Trung Quốc bởi nền tảng về toán và khoa học tự nhiên rất tốt. Trong khi đó, để hiện thực hóa tham vọng vươn lên dẫn đầu về công nghệ, chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều chính sách ưu tiên phát triển AI, hứa hẹn môi trường học tập và nghiên cứu đầy năng động.
Nhìn lại hành trình của mình, Tú nói được làm nghiên cứu và giảng dạy chính là động lực phát triển của cô chứ không phải việc đạt được vị trí cao về học thuật. Cô không hay nghĩ tới việc mình phải thành công mà chỉ đơn thuần theo đuổi đam mê mỗi ngày. Học viên của cô hiện làm việc ở nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Huawei hay ByteDance...
"Điều tôi tự hào nhất là chứng kiến sinh viên thành công", Tú chia sẻ.
Khánh Linh